Câu hỏi 1: Sự lây truyền bệnh SXH như thế nào?
SXH là một bệnh truyền nhiễm và véc-tơ truyền bệnh chính là muỗi vằn Aedes aegypti. Chu trình truyền bệnh như sau: người mang vi rút dengue → muỗi → các thành viên khác trong cộng đồng.
Sau khi muỗi đốt người bị bệnh, vi-rút từ máu người bệnh sẽ truyền sang tế bào muỗi. Thời gian từ khi muỗi hút máu người bệnh đến khi muỗi có thể truyền bệnh sang người khác là khoảng 12 ngày. Trong thời gian này, các vi-rút được nhân lên bên trong cơ thể muỗi, lây lan đến các tế bào thuộc các bộ phận khác nhau cho đến khi nó lan đến tuyến nước bọt của muỗi. Đến khi đó nếu nó đốt người khác, muỗi sẽ truyền vi-rút dengue sang cơ thể họ.

Câu hỏi 2: Triệu chứng của sốt xuất huyết dengue là gì?
Sốt xuất huyết dengue có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
Sốt cao thường kèm theo ít nhất là hai trong những triệu chứng sau:
- Đau đầu
- Nhức sau hốc mắt
- Buồn nôn, nôn.
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau mỏi cơ, xương hay khớp
- Phát ban
Câu hỏi 3: Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện như thế nào?
Khi trẻ bị sốt xuất huyết thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, thời gian sốt có thể kéo dài từ 2- 7 ngày, kèm theo biểu hiện như mặt đỏ phừng, xuất huyết dưới da, đau đầu, nhức mỏi.
Một số trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết còn kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, sốt xuất huyết ở trẻ trong giai đoạn khởi phát bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, nên khó phân biệt với các loại nhiễm virus khác. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi, điều trị kịp thời.

Câu hỏi 4: Sốt xuất huyết ở người lớn khác với trẻ em như thế nào?
So với trẻ em, sốt xuất huyết ở người lớn thường có triệu chứng khác biệt hơn như: Thời gian sốt kéo dài 7 ngày hoặc hơn, thường kèm theo dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu mũi, tiêu tiểu ra máu, ói ra máu… và tình trạng xuất huyết kéo dài hơn sau ngày thứ 7 của bệnh. Ngược lại, biểu hiện sốc ở người lớn lại nhẹ hơn trẻ em và tỉ lệ tái sốc ít. Một vài thống kê cho thấy: tỉ lệ xuất huyết nặng ở người lớn 50% (trẻ em 6,2%), thường gặp nhất là xuất huyết âm đạo 52,8% (trẻ em 0%), chân răng 48,3% (10,4%), tiêu hóa 41,7% (16,7%), niêm mạc mũi 16,7% (6,3%), xuất huyết sau ngày thứ 7 là 40% (8,3%).
Câu hỏi 5: Khi nào đi đến cơ sở y tế?
Ngay khi có các biểu hiện bệnh như sốt kéo dài, xuất huyết dưới da, mệt mỏi, chảy máu chân răng hay các vị trí khác,cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm kịp thời.
Người bệnh khi đến cơ sở y tế cần tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hay tự ý uống thuốc theo ý mình.Vì biến chứng sốt xuất huyết rất nguy hiểm,có thể ảnh hưởng đến chính tính mạng của người bệnh.
Câu hỏi 6: Khi bị sốt xuất huyết nên ăn uống như thế nào?

Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết
- Khi sốt cao, cơ thể mất nước chính vì vậy cần phải bổ sung nước và điện giải bằng các dung dịch uống như Oresol. Lưu ý cần pha đúng hàm lượng thuốc và nước theo hướng dẫn thầy thuốc.
- Nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng.
Ăn thức ăn mềm,dễ tiêu khi bị sốt xuất huyết:
- Người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn nên khi chế biến thức ăn cần chế thức ăn đơn giản, mềm dễ tiêu như: ăn cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa và các bữa phụ để giúp người bệnh nhanh hồi phục.
- Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm khi bị SXH như trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…)
- Hạn chế các đồ nhiều dầu mỡ, gia vị, các đồ ăn cứng khó tiêu.
Nguồn: pasteurhcm.gov.vn
The point of view of your article has taught me a lot, and I already know how to improve the paper on gate.oi, thank you. https://www.gate.io/uk/signup/XwNAU